BÀI THUYẾT TRÌNH
“BỘ ĐỒ CHƠI TỪ NHỮNG LON SỮA”
I/ Vị trí, tầm quan trọng của đồ dùng:
Bộ đồ chơi từ những lon sữa được làm ra với mục đích sử dụng cho nhiều hoạt động ở các lứa tuổi mầm non từ nhà trẻ đến mẫu giáo, phục vụ trong hoạt động giảng dạy của giáo viên, trong trang trí lớp và các hoạt động chơi tập của trẻ qua từng chủ đề.
Bộ đồ chơi từ những lon sữa giúp trẻ phát triển các mặt sau:
– Phát triển vận động và phát triển các giác quan: Luyện vận động các cơ tay, sự khéo léo của bàn tay, ngón tay và luyện các vận động: Đi, chạy, nhảy, bật, bò,… Trẻ biết cầm, nắm, ném, lăn, xếp, xâu,…
– Phát triển trí tuệ, nhận thức: Luyện các giác quan (Thị giác, thính giác, xúc giác,…), trẻ phân biệt được kích thước to nhỏ, cao thấp, ít nhiều, màu sắc của đối tượng,… Phát triển thông minh, tư duy sáng tạo.
– Ngoài ra bộ đồ chơi còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm, phát triển xã hội,…
Bộ đồ chơi này đặc biệt đảm bảo được tính an toàn cho trẻ: Không sắc nhọn, không độc hại, dễ lau chùi, dễ di chuyển, đảm bảo vệ sinh và an toàn khi trẻ sử dụng.
II/ Cấu tạo và cách sử dụng:
Với vật liệu đơn giản dễ kiếm, cô và trẻ có thể cùng thực hiện. Bộ đồ chơi từ những lon sữa có thể ứng dụng trong các hoạt động: HĐVC, LQVT, GDÂN, TDGH, một số trò chơi ôn luyện, củng cố,…. Thông qua việc hoạt động trên bộ đồ chơi giúp trẻ phát triển thể chất, kỹ năng quan sát, so sánh, phát triển tư duy, trí tuệ, trí tưởng tượng, khiếu thẩm mĩ, óc phán đoán cho trẻ,…
1/ Cấu tạo:
Bộ đồ dùng bao gồm:
– Các lon sữa hộp to – nhỏ khác nhau kết hợp với các ống nhựa, bên ngoài các lon và ống nhựa được bao bọc bởi 1 lớp sơn, giấy màu đề can để tạo độ bền và được trang trí các mặt xung quanh để tạo sự đẹp mắt.
– Đồ dùng đi kèm: Bóng, dây thun, chong chóng, các nắp chai, ống hút,…
Bộ đồ chơi với các chi tiết rời, thông qua việc cô và trẻ tự lắp ráp tạo nên cách chơi khác nhau, khi chơi xong trẻ tự tháo ra cất gọn gàng để có thể sử dụng cho những lần hoạt động sau.
2/ Cách sử dụng:
Tùy vào hoạt động và chủ đề khác nhau mà cô và trẻ có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau.
Với bộ đồ chơi này phục vụ được cho nhiều hoạt động, bài tập thể dục và trò chơi vận động trong chương trình GDMN mới ở các lứa tuổi mầm non.
1/ Hoạt động thể chất:
1.Đi trong đường hẹp.
2.Chạy, bò qua chướng ngại vật theo đường zích zắc.
3.Đi trong đường ngoằn ngoèo.
4.Nhảy dây, bật qua dây, bước – bò chui qua dây.
5.Ném vòng.
6.Ném trúng đích thẳng đứng.
7.Chơi chong chóng, cướp cờ, tiếp cờ bằng chóng chóng.
8.Tạc lon, đi cà kheo, đập lon.
9.Ném trúng đích thẳng đứng, ném còn.
10.Ném bóng vào lon.
11.Ném đĩa bay
12.Tập thể dục với gậy, vòng.
13.Chơi lăn lon cho bạn.
– Khi kết hợp nhiều bài vận động lại thì phát triển thành một trò chơi liên hoàn (Đi, bò, chạy, bật,…)
2/ Hoạt động GDÂN:
– Sử dụng các lon úp xuống, dùng cây gõ đáy lon, thân lon, nắp lon để tạo ra âm thanh khác nhau. Trẻ được làm nhạc công gõ trống.
3/ Hoạt động LQVT:
– Dạy trẻ số lượng, ôn luyện, củng cố, tách gộp trong phạm vi 10.
– Dạy trẻ nhận biết cao – thấp, to – nhỏ của đối tượng.
– Dạy trẻ nhận biết, ôn luyện màu sắc.
– Ôn luyện các hình học bằng cách sắp xếp các lon.
– Dạy trẻ sắp xếp theo quy luật.
– Xếp chồng các lon làm tháp
– Dùng lon làm đơn vị đo,…
4/ Hoạt động khác và trò chơi:
– Chơi sâu, xỏ dây, đan qua các lỗ ở nắp lon sữa.
– Chơi ô ăn quan từ 12 nắp lon.
– Chơi chiếc hộp bí mật.
– Làm những chiếc ghế nhỏ cho trẻ ngồi.
– Làm những ngôi nhà, bệnh viện, trường học,…
– Làm mặt bàn để trẻ chơi tạo nhóm trên đáy lon,…
III/ Tính hiệu quả:
Với bộ đồ chơi từ những lon sữa, nó có tác dụng hỗ trợ rất nhiều hoạt động khác nhau hấp dẫn, gần gũi, cuốn hút hơn, kích thích sự tập trung các giác quan của trẻ để trẻ suy nghĩ ra cách lắp ráp các đồ dùng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Bên cạnh đó, bộ đồ chơi được làm từ các phế liệu rẻ tiền, huy động từ phụ huynh và có thể sử dụng được nhiều trò chơi, nhiều hoạt động. Và các đồ chơi này có thể sử dụng trong thời gian dài, bền qua các chủ đề. Chính những đồ chơi này giúp trẻ được thao tác hoạt động, trải nghiệm, được thể hiện những nhu cầu cá nhân, được phát triển cân đối hài hòa, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện.
* Khả năng phổ biến đồ dùng: Đồ chơi có thể sử dụng ở bất cứ lúc nào khi thực hiện hoạt động: Giới thiệu bài, tạo tình huống, củng cố kiến thức gây hứng thú cho trẻ. Đồ chơi có thể ứng dụng được tất cả các chủ đề bằng cách thay đổi bố cục sắp xếp, thêm hoặc bớt các chi tiết trên bộ đồ dùng sao cho phù hợp với chủ đề và nội dung hoạt động. Với bộ đồ chơi này có thể phục vụ cho nhiều hoạt động trong chương trình giáo dục mầm non mới ở tất cả các khối lớp.
Người thực hiện
Đỗ Kim Tuyến